VẤN ĐỀ ĐAU KHI MỔ TRĨ
Trước đây khi nói đến mổ trĩ bệnh nhân thường liên tưởng đến sự “đau đớn”, bệnh nhân có lý do để nghĩ như vậy bởi thực tế trước đây khi bệnh nhân mổ trĩ thì quãng thời gian để vượt qua giai đoạn sau mổ thực sự rất khó khăn. Tuy nhiên với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới, cảm giác đau của bệnh nhân được quan tâm đúng mức nên bệnh nhân đau ít hơn, cảm giác thoải mái hơn và vấn đề đau sau mổ không còn là nỗi “sợ hãi” của bệnh nhân. Khái niệm “sự đau đớn sau mổ trĩ” dần dần không còn là nỗi ám ảnh vì bệnh nhân không còn phải “chịu đựng” sự “đau đớn” sau mổ.
1. Vấn đề đau trong phẫu thuật.
Các phương pháp vô cảm (cắt đau) cho bệnh nhân khi phẫu thuật trĩ bao gồm:
1.1. Gây mê toàn thân (Gây mê tĩnh mạch, gây mê nội khí quản)
Bệnh nhân sẽ được cắt đau hoàn toàn (Không có cảm giác đau khi phẫu thuật) tuy nhiên phương pháp này ít áp dụng vì phẫu thuật trĩ là phẫu thuật ở tầng sinh môn, mà để cắt đau vùng này thì có phương pháp vô cảm khác (gây tê vùng) đơn giản hơn, ít ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân hơn mà vẫn đạt được hiệu quả. Chính vì vậy người ta chỉ áp dụng phương pháp gây mê toàn thân trong trường hợp khi các phương pháp vô cảm khác thất bại.
1.2. Gây tê vùng:
* Gây tê tủy sống: Đây là phương pháp hay được áp dụng nhất trong phẫu thuật trĩ vì:
– Đơn giản, ít gây biến chứng.
– Tỷ lệ thành công cao, đạt được hiệu quả cắt đau tốt.
– Cơ thắt hậu môn giãn, thuận lợi cho việc kiểm soát cuộc phẫu thuật.
* Gây tê khoang cùng: Đây cũng là phương pháp đơn giản, ít gây biến chứng tuy nhiên ít áp dụng hơn phương pháp gây tê tủy sống vì:
– Tỷ lệ không thành công của phương pháp này cao hơn gây tê tủy sống. Và khi thất bại phải chuyển sang phương pháp khác sẽ mất nhiều thời gian cho cuộc phẫu thuật.
– Kỹ thuật gây tê khoang cùng khó hơn kỹ thuật gây tê tủy sống nếu như Bác sĩ gây mê không quen làm kỹ thuật này.
– Sau khi chọc gây tê khoang cùng phải chờ tác dụng của thuốc nên cuộc phẫu thuật chưa tiến hành được ngay mà phải đợi.
1.3. Gây tê tại chỗ: Đây là phương pháp hầu như không áp dụng vì lý do:
+ Khi tiêm để gây tê bệnh nhân rất đau vì hậu môn là vùng nhạy cảm có nhiều thần kinh cảm giác.
+ Cơ thắt hậu môn giãn kém nên phẫu thuật trĩ với bệnh nhân nặng rất khó khan và khó kiểm soát cuộc mổ.
Chính vì vậy gây tê tại chỗ hay áp dụng tại các phòng khám khi họ không áp dụng được các phương pháp vô cảm khác, bệnh nhân muốn về ngay, và chỉ áp dụng để cắt các trĩ ngoại nhỏ.
2. Vấn đề đau sau khi phẫu thuật.
Để đánh giá cảm giác đau người ta dựa vào thang điểm VAS – Visual Analog Scale.
Diễn biến đau sau mổ của bệnh nhân bình thường như sau:
– Đêm đầu tiên sau mổ bệnh nhân khó chịu nhất do ngoài cảm giác đau thì bí tiểu cũng là một yếu tố phiền nạn đối với bệnh nhân.
– Ngày thứ 2 sau mổ: Bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, cảm giác đau ít.
– Cho đến khi bệnh nhân đi đại tiện trở lại thì sẽ có cảm giác đau hơn. Tuy nhiên ngoài lúc đi ngoài thì hầu như bệnh nhân không đau.
2.1. Đau sau mổ phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
– Sự nhạy cảm cảm giác đau của bệnh nhân, bệnh nhân trẻ thường nhạy cảm hơn người già.
– Loại trĩ và độ nặng của trĩ:
+ Phẫu thuật trĩ ngoại đau hơn trĩ nội.
+ Số lượng búi trĩ: Cắt nhiều búi trĩ đau hơn cắt ít búi trĩ.
– Phương pháp phẫu thuật: Phương pháp can thiệp trên đường lược ít đau hơn phương pháp can thiệp dưới đường lược.
– Đại tiện sau mổ: Với những bệnh nhân bị táo bón đi ngoài sẽ đau hơn hoặc đi ngoài nhiều lần trong ngày sau mổ sẽ cảm thấy khó chịu hơn những bệnh nhân đi ngoài 1-2 lần/ ngày.
– Kinh nghiệm của phẫu thuật viên.
2.2. Giải pháp.
– Chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.
– Đêm đầu sau mổ giảm đau bằng phương pháp PCA.
– Các ngày tiếp theo sau mổ:
+ Chăm sóc tốt vết mổ.
+ Tránh táo bón, kiểm soát số lần đi ngoài trong ngày.
+ Ngâm hậu môn bằng nước ấm trước và sau khi đi ngoài.
Nhận Xét