Đại cương

ĐẠI CƯƠNG – NGUYÊN NHÂN – CƠ CHẾ BỆNH SINH.

I. ĐẠI CƯƠNG.

Trĩ là những cấu trúc bình thường ở ống hậu môn. Bệnh trĩ là tập hợp những bệnh lý có liên quan đến biến đổi cấu trúc của mạng mạch trĩ và các tổ chức tiếp xúc với mạng mạch này. Bệnh trĩ tuy không đe doạ đến sự sống còn, nhưng gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

II. NGUYÊN NHÂN.

Cho đến nay nguyên nhân của bệnh trĩ chưa được xác định một cách rõ ràng. Người ta đề cập đến nhiều yếu tố được coi như là nguyên nhân thuận lợi phát sinh bệnh.

–  Tư thế: Trĩ gặp nhiều ở những người đứng lâu, ngồi lâu, ngồi trong nhà vệ sinh kéo dài.

–  Táo bón: bệnh nhân bị táo bón khi đại  tiện phải rặn nhiều, khi rặn áp lực trong lòng ống hậu môn tăng gấp 10 lần.

–  Tăng áp lực trong khoang bụng: ở người lao động tay chân nặng nhọc, suy tim, ho, hắt hơi nhiều … áp lực trong ổ bụng tăng và bệnh trĩ dễ xuất hiện.

–  Thai kỳ: trĩ thường gặp lúc phụ nữ đang mang thai, người ta nói đến khi mang thai người phụ nữ nếu chưa bị trĩ sẽ có nguy cơ bị trĩ, nếu đã bị trĩ thì bệnh trĩ sẽ nặng lên. Nguyên nhân mang thai liên quan đến trĩ do khi mang thai áp lực ổ bụng tăng, thai to chèn ép hệ thống mạch máu làm cản trở lưu thông máu, ngoài ra phụ nữ mang thai đôi khi bổ xung viên thuốc sắt là một trong những nguyên nhân gây nên táo bón.

– Chứng béo phì: Những người bị béo phì thường dễ mắc bệnh trĩ hơn người bình thường.

–  U hậu môn trực tràng và tiểu khung làm cản trở máu hậu môn trực tràng trở về cũng là nguyên nhân của trĩ.

– Yếu tố gia đình: Nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn ở những người có người cùng huyết thống bị mắc bệnh trĩ như bố, mẹ, anh, chị, em …

III. CƠ CHẾ BỆNH SINH.

     Đã có nhiều công trình nghiên cứu khác nhau về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của bệnh trĩ. Những công trình này đã dựa trên cơ sở nhận xét lâm sàng hoặc trên cơ sở tổ chức học để xây dựng nên các lý thuyết cắt nghĩa cơ chế bệnh sinh. Trong các thuyết nêu ra có hai thuyết được nhiều người chấp nhận.  

1. Thuyết mạch máu:

Sự rối loạn điều hoà thần kinh vận mạch gây phản ứng quá mức điều chỉnh bình thường của mạng mạch trĩ và vai trò của các shunt động – tĩnh mạch. Khi các yếu tố khởi bệnh tác động làm các shunt mở rộng, máu động mạch chảy vào ồ ạt làm các đám rối bị đầy, giãn quá mức, nhất là nếu lúc đó lại có một nguyên nhân cản trở đường máu trở về (rặn mạnh vì táo bón, co thắt cơ tròn…) các mạch máu phải tiếp nhận một lượng máu quá khả năng chứa đựng nên phải giãn ra (xung huyết), nếu tiếp tục tái diễn sẽ đi đến chảy máu, máu đỏ tươi vì đi trực tiếp từ động mạch sang tĩnh mạch.

2. Thuyết cơ học:

Do áp lực rặn trong lúc đại tiện khó khăn (táo bón) các bộ phận nâng đỡ các tổ chức trĩ bị giãn dần trở nên lỏng lẻo, các búi trĩ (vốn là bình thường) bị đẩy xuống dưới và dần dần lồi hẳn ra ngoài lỗ hậu môn, luồng máu tĩnh mạch trở về bị cản trở, trong khi luồng máu từ động mạch vẫn đưa máu đến vì áp lực cao. Quá trình đó tạo thành vòng luẩn quẩn, lâu dài làm mức độ sa trĩ càng nặng lên.