HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC SAU MỔ MỘT SỐ BỆNH LÝ HẬU MÔN

(Trĩ, Nứt kẽ hậu môn, Polyp hậu môn, Áp xe hậu môn, Rò hậu môn)

I. LỊCH KHÁM LẠI SAU KHI RA VIỆN.
1. Khám lại ở bất kỳ thời điểm nào nếu có dấu hiệu bất thường.
2. Khám lại ở thời điểm 2 tuần, 8 tuần tính từ ngày mổ.
3. Trong trường hợp không đến khám lại được thì thông tin lại qua điện thoại.
II. MỘT SỐ LƯU Ý QUAN TRỌNG.
1. Chăm sóc, vệ sinh tại chỗ tốt: Thay băng, giữ hậu môn luôn khô ráo.
2. Kiểm soát số lần đi đại tiện trong ngày. Đi tiểu tiện phải dễ dàng.
3. Chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.
III. CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG.
1. Ngày đầu sau mổ: Ăn cháo thịt nạc sau mổ 3-4 giờ (Không nên uống sữa).
2. Từ ngày thứ 2 sau mổ trở đi:
* Chế độ ăn như bình thường (Sáng: ăn bún hoặc phở. Trưa, tối: ăn cơm).
* Ăn chín, uống sôi.
* Chế độ ăn tránh táo bón: Ăn nhiều rau, uống nhiều nước.
* Kiêng các chất kích thích: Thức ăn có vị chua, cay, rượu bia …
3. Lưu ý:
* Không ăn đồ lạ (Ăn xong có dấu hiệu đau bụng, đi ngoài).
* Không nên ăn nhiều củ khoai lang, đu đủ.
* Những người bị hội chứng ruột kích thích (Tránh những thức ăn không hợp).
* Thận trọng khi uống sữa (Nên uống ít một, theo dõi).
IV. CHẾ ĐỘ SINH HOẠT, NGHỈ NGƠI.
1. Trong thời gian nằm viện.
1.1. Ngày đầu sau mổ: Bệnh nhân nằm tại giường, không được ngồi dậy, mọi sinh hoạt tại giường.
1.2. Từ ngày thứ 2 sau mổ:
* Đi lại bình thường, tránh động tác gắng sức, tránh chạy, tránh nhảy.
* Tắm bình thường (Không bôi xà phòng vào hậu môn).
2. Khi ra viện.
2.1. Khi nào bệnh nhân có thể đi làm được?.
* Bệnh nhân có thể trở lại làm việc sau khi ra viện tuy nhiên phụ thuộc vào sức khỏe của bệnh nhân, mức độ nặng, nhẹ của bệnh, tình trạng đau vết mổ, tính chất công việc (Công việc văn phòng hay lao động chân tay) …
* Thường sau mổ 7-10 ngày bệnh nhân có thể đi làm (Khuyến cáo nên sau 2 tuần).
2.2. Khi nào bệnh nhân có thể di chuyển bằng xe máy? Sau mổ 10 ngày (Khuyến cáo tốt nhất sau 2 tuần).
V. HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ VỆ SINH, CHĂM SÓC VẾT THƯƠNG TẠI CHỖ VÙNG HẬU MÔN.
1. Chế độ thay băng.
1.1. Khi nằm viện: Thay băng hàng ngày (Số lần thay băng 1-2 lần/ngày).
1.2. Khi ra viện.
* Đối với bệnh nhân sau mổ trĩ: Bệnh nhân có thể tự làm vệ sinh vết mổ (Xem phần hướng dẫn tự vệ sinh vết mổ).
* Đối với bệnh nhân sau mổ áp xe hậu môn, rò hậu môn: Yêu cầu thay băng khó hơn, sau khi ra viện người nhà có thể thay băng cho bệnh nhân. Tuy nhiên hàng tuần nên đến để được nhân viên y tế thay băng để đánh giá tình trạng vết thương.
2. Chế độ ngâm hậu môn.
* Ngâm hậu môn bằng bột ngâm trĩ hoặc bằng lá trầu không: Ngâm ngày 1-2 lần, mỗi lần 10-15 phút.
* Ngâm hậu môn bằng nước ấm: Trước và sau khi đi ngoài, mỗi lần khoảng 10-15 phút.
3. Giữ hậu môn luôn khô ráo.
* Khi có cảm giác ẩm ướt, nhớp nháp ở hậu môn thì rửa sạch bằng nước ấm.
* Dùng bông, gạc thấm nhẹ nhàng vào hậu môn để làm loại bỏ chất bẩn dính vào kẽ, mép vết thương nếu có.
* Cuối cùng thấm khô hậu môn, rồi chấm một ít Betadin vào miếng bông nhỏ đặt vào hậu môn. Sau đó đặt một miếng bông, gạc bên ngoài rồi băng lại.
4. Một số lưu ý khi đi đại tiện.
* Đảm bảo đi hết phân trong trực tràng sau mỗi lần đi: Cảm giác nhẹ bụng, không còn cảm giác buồn đi đại tiện sau khi đã đi.
* Khi đi đại tiện thì dặn bình thường.
* Có thể uống thuốc giảm đau: Viên Efferalgan dạng sủi (Cách 6h uống được 1 viên).
5. Có thể đặt hậu môn một số viên đạn hỗ trợ điều trị: Tùy theo chỉ định của Bác sĩ.
6. Một số hướng dẫn khi đi đại tiện.
6.1. Ngâm hậu môn bằng nước ấm trước và sau khi đi đại tiện.
* Trước khi đi ngoài nên ngâm hậu môn bằng nước ấm.
* Khi có cơn buồn đi ngoài, ngồi dặn bình thường.
* Sau khi đi ngoài lại ngâm hậu môn bằng nước ấm.
* Nếu còn buồn đi ngoài, lại đi ngoài tiếp (Đảm bảo đi hết phân trong trực tràng).
6.2. Vệ sinh sau khi đi ngoài.
* Dùng bông, gạc thấm nhẹ nhàng vào hậu môn để loại bỏ chất bẩn dính vào kẽ, mép vết thương nếu có (Không được dùng giấy vệ sinh để chùi).
* Sau đó thấm khô hậu môn.
* Cuối cùng chấm 1 ít Betadin vào miếng bông nhỏ rồi đặt vào hậu môn. Sau đó đặt một miếng bông, gạc bên ngoài rồi băng lại.
VI. KIỂM SOÁT SỐ LẦN ĐI ĐẠI TIỆN TRONG NGÀY.
1. Số lần đi đại tiện trong ngày bao nhiêu lần là tốt?
* Tốt nhất là ngày đi 1 lần hoặc 2 ngày đi 1 lần.
* Đi đại tiện 2-3 lần/ngày có thể chấp nhận được.
* Đi đại tiện > 3 lần/ngày là nhiều.
2. Nguyên nhân gây ra đại tiện nhiều lần trong ngày.
* Do thức ăn, thuốc, sữa …
* Do đại tiện không hết phân.
* Do đau tức hậu môn kích thích buồn đi ngoài (Thăm khám bên trong trực tràng không có phân).
* Thường xảy ra ở người có tiền sử Hội chứng ruột kích thích.
3. Làm gì khi đại tiện nhiều lần trong ngày.
* Báo tình trạng đi ngoài cho thầy thuốc.
* Dừng ngay các nguyên nhân nếu xác định được như thức ăn, thuốc, sữa … gây rối loạn tiêu hóa.
* Đảm bảo mỗi lần đi đại tiện phải hết phân (Xem phần hướng dẫn khi đại tiện).
* Nếu do đau tức hậu môn kích thích buồn đi ngoài, thì thăm khám bên trong trực tràng không có phân: Ngâm hậu môn bằng nước ấm, uống thuốc giảm đau nếu cần.
* Một số người bị hội chứng ruột kích thích khi ăn xong là buồn đi đại tiện ngay thì không nên ăn nhiều lần trong ngày.
* Một số trường hợp do ăn quá nhiều thì nên điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.
* Dùng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc (Nếu cần).

VII. HƯỚNG DẪN NGÂM HẬU MÔN.
1. Chế độ ngâm hậu môn.
* Số lần ngâm trong ngày: Ngày ngâm 1-2 lần.
* Thời gian ngâm: Mỗi lần ngâm 10-15 phút.
2. Lưu ý:
* Không pha muối ăn vào thuốc hoặc nước ấm để ngâm hậu môn.
* Nên sử dụng chậu chuyên dụng để tránh cảm giác khó chịu khi ngồi ngâm hậu môn (Chậu thiết kế để có thể đặt được lên phía trên của bệt vệ sinh).
* Để tránh bị bỏng khi ngâm, phải kiểm tra nhiệt độ của nước trước khi ngồi vào ngâm hậu môn.
3. Không ngâm hậu môn trong những trường hợp sau:
* Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần của thuốc ngâm hoặc lá trầu không.
* Bệnh nhân là phụ nữ đang trong giai đoạn hành kinh.

* Bệnh nhân được khâu bằng chỉ phẫu thuật có chống chỉ định ngâm trong nước.
4. Cách chuẩn bị và ngâm hậu môn bằng lá trầu không.
* Đun nước sôi, đổ nước sôi ra chậu.
* Thả 5 lá trầu không vào chậu nước sôi (Không cần vò lá) + Có thể thêm 1 lượng phèn chua (Bằng thìa cà phê) khuấy đều.
* Chờ đến khi nước ấm vừa thì ngồi vào ngâm hậu môn.
5. Cách chuẩn bị và ngâm hậu môn bằng bột ngâm trĩ.
* Đun hoặc cho bột ngâm trĩ vào chậu nước nóng: 10-20 gram (Tùy theo chỉ định).
* Có thể vớt bỏ các cặn thuốc (Nếu có) sau khi thuốc đã hòa tan.
* Chờ đến khi nước ấm vừa thì đổ nước vào chậu ngâm chuyên dụng.
* Ngồi vào chậu ngâm hậu môn.
VIII. HƯỚNG DẪN CÁCH ĐẶT VIÊN ĐẠN TRĨ.
1. Để thuốc vào ngăn đá tủ lạnh để cho thuốc cứng trước khi đặt vào hậu môn.
2. Cách đặt thuốc.
* Đi găng cao su, bóc vỏ viên thuốc ra.
* Bôi chất bôi trơn vào đầu viên thuốc và vào đầu ngón tay trỏ (Bên tay thuận).
* Nong hậu môn: Đưa từ từ, nhẹ nhàng ngón tay trỏ vào trong ống hậu môn.
* Đưa viên thuốc phía đầu đã bôi trơn vào trong hậu môn, dùng ngón tay để vào phía đuôi của viên thuốc rồi từ từ đẩy tụt hẳn viên thuốc vào trong hậu môn (Cảm giác đẩy viên thuốc đi qua cơ thắt hậu môn).
Lưu ý: Nhìn bên ngoài không thấy đuôi viên thuốc là đạt yêu cầu.
IX. LƯU Ý NHỮNG ĐIỀU KHÔNG LÀM SAU MỔ.
– Không nên ăn nhiều khoai lang, đu đủ.

– Không bôi xà phòng vào hậu môn.

– Không dùng giấy chùi sau khi đi vệ sinh, chỉ thấm sau khi ngâm hoặc xịt bằng nước.

– Không ngâm hậu môn bằng cách pha muối ăn.

Đăng ký nhận bản tin