Biến chứng sau phẫu thuật

BIẾN CHỨNG SAU PHẪU THUẬT TRĨ

Giảm biến chứng sau phẫu thuật đó là mục tiêu hướng tới của các phương pháp mổ.

Biến chứng sau mổ gồm biến chứng gần và biến chứng xa.

I. BIẾN CHỨNG GẦN.

1. Chảy máu sau mổ.

1.1. Nguyên nhân.

– Chảy máu trong vòng 24 giờ đầu sau mổ: Do trong phẫu thuật cầm máu không kỹ, tuột chỉ khâu cầm máu …

– Chảy máu muộn (Ngày thứ 7-10 sau mổ, thậm chí 2 tuần sau mổ): Do hoại tử gốc trĩ.

* Yếu tố thuận lợi.

– Bệnh nhân có chức năng đông máu kém.

– Bệnh nhân bị tăng huyết áp.

1.2. Biểu hiện: Tùy theo mức độ mất máu mà có biểu hiện khác nhau từ nhẹ tới nặng.

* Dấu hiệu cơ năng:

– Bệnh nhân đi ngoài ra máu nhiều sau mổ: Ộc ra máu tươi, lẫn máu cục.

– Tùy theo mức độ mất máu mà bệnh nhân có cảm giác khác nhau: bình thường hoặc hoa mắt, chóng mặt …

* Dấu hiệu toàn thân:

– Nhẹ:

+ Niêm mạc bình thường hoặc nhợt nhẹ.

+ Huyết động ổn định: Huyết áp bình thường, Mạch có thể nhanh.

– Nặng:

+ Người lạnh, da nhớp nháp mồ hôi.

+ Da xanh, niêm mạc nhợt.

+ Mạch nhanh nhỏ khó bắt, Huyết áp tụt.

* Dấu hiệu tại chỗ:

– Băng hậu môn thấm máu.

– Có thể nhìn thấy máu tươi đang chảy ra từ hậu môn, hoặc thấy mạch máu đang chảy từ vết mổ trong trường hợp máu chảy vết mổ ngay bên ngoài.

– Thăm hậu môn trực tràng: Có máu tươi theo găng, có thể thấy máu cục.

1.3. Xử trí.

* Điều trị nội khoa: Đối với trường hợp nhẹ.

– Truyền dịch.

– Dùng thuốc cầm máu.

– Chèn mèche, bang hậu môn.

* Phẫu thuật cầm máu: Đối với trường hợp nặng, tiên lượng không cầm được máu nếu điều trị nội khoa.

– Làm sạch máu trong lòng trực tràng.

– Kiểm tra tìm điểm chảy máu.

– Xử lý vị trí chảy máu: Khâu cầm máu.

– Đặt dẫn lưu hậu môn, chèn mèche, băng hậu môn.

(Đối với trường hợp mất máu nhiều có thể phải truyền máu).

2. Nhiễm khuẩn vết mổ.

Mặc dù vết mổ hậu môn là vùng bẩn (Có phân đi qua) tuy nhiên vùng tầng sinh môn là vùng nhiều mạch máu nên khả năng nhiễm khuẩn rất thấp, hầu như không xảy ra sau mổ trĩ.

II. BIẾN CHỨNG XA.

1. Hẹp hậu môn.

1.1. Nguyên nhân.

– Hay gặp đối với trường hợp bệnh nhân trĩ nặng, có nhiều búi trĩ trĩ vòng, áp dụng phương pháp cắt trĩ kinh điển mà trong mổ không tính toán để lại “Cầu da” tốt. Sau mổ dễ gây biến chứng hẹp hậu môn.

– Phẫu thuật trĩ phương pháp Longo làm đường khâu túi không tốt, diện cắt tạo sẹo hẹp như vòng nhẫn (Hẹp hậu môn cao).

1.2. Biểu hiện.

– Khó đi ngoài, đi ngoài đau, lâu.

– Phân có khuôn nhỏ.

– Thăm hậu môn bằng ngón tay thấy hẹp ở ngay bên ngoài hoặc hẹp ở trên cao.

1.3. Phân loại hẹp hậu môn: Theo Milsom VCS 1986.

– Loại nhẹ: Có thể đút được ngón tay trỏ bôi trơn vào hậu môn.

– Loại trung bình: Đút được ngón tay bôi trơn được nhưng khó, bệnh nhân đau.

– Loại nặng: Không đút được một ngón tay vào lỗ hậu môn.

1.4. Xử trí.

* Nội khoa:

– Chống táo bón.

– Nong hậu môn.

* Phẫu thuật.

– Cắt nối chỗ hẹp.

– Cắt mở cơ tròn trong: Sau khi lấy bỏ tổ chức sơ, sẹo, có thể tiến hành cắt mở cơ tròn trong, có thể kèm theo tạo hình hậu môn sau.

– Dùng vạt trượt.

1.5. Cách phòng tránh: Đối với những trường hợp có nguy cơ hẹp hậu môn sau mổ cần:

– Khi mổ phải tính toán để lại “Cầu da” tốt.

– Khi mổ có thể chủ động mở cơ thắt hậu môn.

– Đối với mổ phương pháp Longo phải đường làm khâu túi đúng.

– Theo dõi sát sau mổ, nong hậu môn chủ động.

Như vậy đối với những trường hợp trĩ nặng, phẫu thuật viên chưa có nhiều kinh nghiệm có thể gây biến chứng hẹp hậu môn sau mổ. Tuy nhiên ở những cơ sở phẫu thuật lớn, phẫu thuật viên kinh nghiệm thì hẹp hậu môn hầu như không xảy ra.

2. Mất tự chủ hậu môn: Là một biến chứng ngược lại với hẹp hậu môn.

Mất tự chủ hậu môn có thể xảy ra đối với những trường hợp mổ rò hậu môn còn đối với trường hợp mổ trĩ thì hầu như không bị mất tự chủ hậu môn.

Đánh giá mức độ mất tự chủ hậu môn:

– Độ 0: Bình thường.

– Độ I: Mất tự chủ với khí.

– Độ II: Mất tự chủ với phân lỏng và khí.

– Độ III: Mất tự chủ với phân đặc, phân lỏng và khí.