Triệu chứng, chẩn đoán

TRIỆU CHỨNG – CHẨN ĐOÁN

I. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG.

Bệnh nhân bị bệnh trĩ hoặc có triệu chứng đơn thuần hoặc kết hợp các triệu chứng sau:

1. Đại tiện ra máu tươi.

– Hoàn cảnh xuất hiện:

+ Thường xuất hiện sau khi có yếu tố thuận lợi: Uống bia rượu, ăn đồ cay nóng, công việc căng thẳng, táo bón …

+ Đôi khi xuất hiện tự nhiên.

– Tính chất:

+ Máu đỏ tươi có thể lẫn phân hoặc không tùy theo mức độ.

+ Nếu máu lẫn nhầy mũi, lờ lờ máu cá thì cần phải loại trừ nguyên nhân ngoài bệnh trĩ như polyp, u hậu môn trực tràng.

– Mức độ: Tùy theo mức độ chảy máu có thể chia làm 3 loại:

+ Ít: Máu dính vào giấy vệ sinh khi chùi.

+ Trung bình: Sau khi đi vệ sinh thấy máu nhỏ thành giọt xuống bồn cầu.

+ Nhiều: Máu chảy phun thành tia đỏ bồn cầu, kèm phân hoặc không, đôi khi bệnh nhân dặn không ra phân mà chỉ ra máu. Có thể có máu cục kèm theo.

– Diễn biến:

+ Thường diễn biến từng đợt, hết chảy máu sau khi bệnh nhân dùng thuốc hoặc tự khỏi.

+ Đôi khi trong trường hợp chảy máu nhiều, nặng bệnh nhân cần phải đến ngay cơ sở y tế.

+ Trong  một số trường hợp bệnh nhân có bệnh nội khoa kèm như tăng huyết áp, bệnh lý về máu … đôi khi chảy máu diễn biến dai dẳng, khó cầm máu.

– Triệu chứng kèm theo:

+ Đôi khi triệu chứng chảy máu khi đại tiện xuất hiện đơn thuần.

+ Đôi khi kèm theo các triệu chứng như: Búi trĩ sa khi đại tiện, đau tức hậu môn.

2. Búi trĩ sa ở hậu môn.

Tùy theo mức độ sa búi trĩ có thể:

– Khi đi ngoài búi trĩ sa ra ngoài sau đó búi trĩ tự co lên.

– Khi đi ngoài búi trĩ sa ra ngoài sau đó phải dùng tác động ngoại lực đẩy búi trĩ vào trong hậu môn hoặc phải mất một thời gian nghỉ ngơi búi trĩ mới tự co lên.

– Búi trĩ sa ra ngoài liên tục hoặc đẩy búi trĩ lên được trong thời gian ngắn rồi búi trĩ lại sa ra ngoài.

Hình 1: Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn khi đại tiện, phải dùng tay đẩy lên

Hình 2: Trĩ tắc mạch

Hình 3: Trĩ nghẹt, tắc mạch 

3. Đau tức hậu môn.

– Thường bệnh nhân không có cảm giác đau hoặc chỉ tức nhẹ hậu môn.

– Bệnh nhân có cảm giác đau hậu môn khi:

+Trĩ có biến chứng: Trĩ tắc mạch, sa trĩ tắc mạch.

+Có tổn thương khác kèm theo: Nứt kẽ hậu môn, áp xe hậu môn, rò hậu môn …

Mức độ đau tùy theo nguyên nhân và tùy từng bệnh nhân.

II. CHẨN ĐOÁN.

Chẩn đoán xác định bệnh trĩ không khó vì trên thực tế ngay bản thân bệnh nhân khi đến khám bệnh cũng đã biết mình bị bệnh trĩ.

1. Chẩn đoán xác định.

Dựa vào triệu chứng lâm sàng và soi hậu môn trực tràng.

* Triệu chứng lâm sàng:

– Đại tiện ra máu tươi.

– Búi trĩ sa ở hậu môn.

– Đau tức hậu môn.

* Soi hậu môn trực tràng: Quan trọng nhất là loại trừ u trực tràng kèm theo.

2. Các vấn đề cần trong chẩn đoán.

– Phải loại trừ bệnh lý u hậu môn, u trực tràng.

– Xác định được các tổn thương kèm theo: Polyp hậu môn, polyp trực tràng, nứt kẽ hậu môn …

– Xác định được mức độ bệnh.

– Phân biệt được với bệnh sa trực tràng.