VẤN ĐỀ NGƯỜI BỆNH QUAN TÂM
1. Bệnh trĩ điều trị thuốc có khỏi được không? Khi nào thì tiêm xơ được và khi nào cần phải phẫu thuật?
1.1. Điều trị bằng nội khoa hoặc thủ thuật (Tiêm xơ, bắn vòng cao su) trong những trường hợp:
* Trĩ nội độ I, độ II (Theo phân loại của Goligher).
* Giai đoạn 1 (Theo phân loại của Carlos W.S.J 2020).
Tức là chỉ có triệu chứng đại tiện ra máu tươi, búi trĩ sa khi đại tiện nhưng tự co lên được. (Xem thêm phần chỉ định điều trị: Tại đây).
1.2. Điều trị bằng phẫu thuật trong những trường hợp:
* Trĩ nội độ III, độ IV (Theo phân loại của Goligher).
* Giai đoạn 2,3 (Theo phân loại của Carlos W.S.J 2020).
* Trĩ nội độ II theo phân loại của Goligher mà điều trị nội khoa hoặc thủ thuật thất bại.
* Trĩ ngoại, trĩ tắc mạch, trĩ nghẹt.
* Trĩ kèm bệnh lý khác: Nứt kẽ hậu môn, Papilloma hậu môn, Polyp hậu môn, áp xe hậu môn, rò hậu môn …
Tức là búi trĩ sa khi đại tiện mà phải lấy tay đẩy lên hoặc sa búi trĩ sa ra ngoài liên tục.(Xem thêm phần chỉ định điều trị: Tại đây).
2. Mổ trĩ bằng phương pháp nào tốt nhất?
* Hiện nay có rất nhiều các phương pháp mổ trĩ khác nhau, mỗi một phương pháp có ưu điểm, nhược điểm riêng. Cùng với sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, kèm theo đó là sự ra đời của các phương tiện, máy móc tiên tiến hiện đại được ứng dụng trong thực tiễn nói chung và trong ngành y nói riêng. Sự kết hợp của kiến thức, kinh nghiệm, phương tiện hiện đại đã mang lại hiệu quả tối ưu của phẫu thuật. Như vậy không có một phương pháp nào là tốt nhất cho tất cả các bệnh nhân, mà chỉ có phương pháp phù hợp nhất với 1 bệnh nhân cụ thể.
* Một phương pháp có chi phí đắt tiền chưa chắc đã là phương pháp tốt nhất.
* Để có một kết quả hoàn hảo nhất thì phải chỉ định đúng, thực hiện kỹ thuật chuẩn. Chính vì vậy tùy từng trường hợp cụ thể mà áp dụng phương pháp tốt nhất, tối ưu nhất cho bệnh nhân.
3. Mổ trĩ có đau không? Có phương pháp mổ trĩ nào không đau?
Phải hiểu rõ khái niệm đau trong khi mổ hay đau sau khi mổ.
* Trong khi mổ trĩ: Bệnh nhân không đau do được cắt đau hoàn toàn bởi các phương pháp vô cảm, trừ khi áp dụng phương pháp gây tê tại chỗ.
* Sau khi mổ trĩ: Cảm giác đau phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan cũng như khách quan như: Mức độ nặng của bệnh, loại trĩ nội hay trĩ ngoại, phương pháp mổ là gì? rồi cảm giác chủ quan của người bệnh, kinh nghiệm của phẫu thuật viên … Không có một phương pháp nào không gây đau, tuy nhiên với sự tiến bộ của hiện nay thì đau của người bệnh sau mổ trĩ ở mức độ chấp nhận được, bệnh nhân trong tình trạng thoải mái, có thể sinh hoạt đi lại, ăn uống bình thường.
4. Mổ trĩ có khỏi hẳn không? Có tái phát không?
* Các phương pháp mổ trĩ được chia làm 2 nhóm, nhóm can thiệp cắt trực tiếp vào búi trĩ thì không có nguy cơ tái phát, nhóm can thiệp vào phía trên búi trĩ thì có nguy cơ tái phát nhưng lại có ưu điểm là ít đau sau mổ. Chính vì vậy nên được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa, tùy trường hợp cụ thể mà chọn phương pháp phù hợp hoặc phối hợp phương pháp để đạt mục đích điều trị là khỏi bệnh, không tái phát và đau ít sau mổ.
* Hơn nữa phải hiểu rõ khái niệm như thế nào là tái phát? Một bệnh nhân được cắt búi trĩ ở vị trí 3 giờ, sau này khi bị lại trĩ ở vị trí 3 giờ thì gọi là tái phát, còn trĩ xuất hiện ở vị trí khác thì không phải.
(Xem thêm phần các phương pháp phẫu thuật trĩ: Tại đây)
5. Mổ trĩ có chảy máu nhiều không? có phương pháp nào mổ mà không chảy máu không?
Không có một phương pháp mổ trĩ nào mà không chảy máu, tuy nhiên chảy máu ở mức độ ít, phẫu thuật viên kiểm soát được, không ảnh hưởng tới bệnh nhân, không phải truyền máu (Trừ trường hợp bệnh nhân bị thiếu máu nặng trước mổ do quá trình bị đi ngoài ra máu kéo dài, thì trong trường hợp này có thể được truyền máu chủ động trong khi mổ).
6. Mổ trĩ có gây hẹp hậu môn? Mất tự chủ hậu môn?
* Về mặt lý thuyết mổ trĩ có thể xảy ra biến chứng hẹp hậu môn, hiện nay biến chứng này rất ít khi xảy ra. Tuy nhiên thực tế vẫn gặp do phẫu thuật viên không tuân thủ đúng kỹ thuật. Nếu thực hiện tốt kỹ thuật thì hầu như không xảy ra biến chứng hẹp hậu môn sau mổ.
* Nếu bạn bị hẹp hậu môn sau mổ thì vui lòng liên hệ để được điều trị, người bệnh có thể khỏi hoàn toàn.
* Mất tự chủ hậu môn cũng là một biến chứng sau mổ vùng hậu môn, tuy nhiên mất tự chủ hậu môn xảy ra khi phẫu thuật bệnh lý áp xe hậu môn, rò hậu môn. Nếu tuân thủ đúng kỹ thuật thì không xảy ra biến chứng này.
7. Chi phí khi mổ trĩ?
Chi phí khi mổ trĩ phụ thuộc vào thời gian nằm viện, loại phẫu thuật, phương pháp phẫu thuật, có chế độ bảo hiểm hay không … Như vậy chi phí phẫu thuật sẽ thay đổi khác nhau giữa Bệnh viện công lập và Bệnh viện tư nhân, một số bệnh viện thu theo gói phẫu thuật.
8. Mổ trĩ có phải nằm viện không? và nằm viện trong bao lâu?
Tùy thuộc vào mức độ bệnh trĩ, người bệnh có bệnh nền khác ngoài bệnh trĩ hay không, phương pháp phẫu thuật áp dụng là gì?
* Nếu bị trĩ nhẹ có thể thực hiện tiểu phẫu cắt búi trĩ, người bệnh không cần phải nằm viện.
* Nếu bị trĩ nặng, người bệnh có bệnh nền thì sau mổ phải nằm viện để thay băng vết thương, dùng kháng sinh đường tiêm, truyền. Thời gian trung bình khoảng 5 ngày tùy từng trường hợp cụ thể.
9. Ngày đầu sau mổ trĩ phải lưu ý gì?
* Ngày đầu sau khi mổ trĩ: Phải nằm tại giường, không ngồi dậy, không đi lại, đi vệ sinh tại giường.
Lưu ý: Tuyệt đối không được tự ý đứng dậy đi vào nhà vệ sinh để đi tiểu.
* Ngày thứ 2 sau mổ: Mọi sinh hoạt trở về bình thường, ăn uống, đi lại bình thường.
10. Vấn đề đi ngoài sau mổ trĩ.
10.1. Có bệnh nhân thắc mắc sau mổ trĩ thì đi ngoài ra sao? có được đi ngoài không? đi ngoài có ảnh hưởng tới vết mổ không?
Sau mổ trĩ người bệnh có thể đi ngoài bình thường. Người bệnh phải ăn uống bình thường, chế độ ăn tránh táo bón để đi ngoài một cách bình thường, không ảnh hưởng gì đến vết mổ. Đi ngoài là một chức năng sinh lý cần có sau khi mổ.
10.2. Sau mổ trĩ bao lâu thì đi ngoài? Đi ngoài ngay ngày đầu sau mổ có sao không? có ảnh hưởng đến vết mổ không?
* Thời gian lần đi ngoài đầu tiên sau mổ phụ thuộc vào lượng phân ở trong đại tràng, phụ thuộc vào chế độ ăn. Bình thường người bệnh đi ngoài sau mổ 1 đến 2 ngày nên việc đi ngoài ngay ngày đầu sau mổ là hoàn thoàn bình thường, không ảnh hưởng gì đến vết mổ.
* Nếu sau mổ 2 ngày mà chưa đi ngoài, hoặc cảm thấy tức bụng khó chịu mà không đi ngoài được thì báo ngay với thầy thuốc để được tư vấn.
10.3. Có người bệnh cho rằng sau mổ trĩ không nên ăn để không đi ngoài sẽ tốt hơn.
Quan niệm nhịn ăn, không dám ăn hoặc ăn cháo là một suy nghĩ sai lầm, như thế bệnh nhân sẽ bị táo bón và lần đi ngoài đầu tiên mà bị táo bón sẽ khó khăn và đau.
10.4. Đi ngoài sau mổ có được dặn không?
Người bệnh có thể dặn bình thường khi đi ngoài, một số người sợ không dám dặn vì sợ rách vết mổ, sợ chảy máu, điều đó là chưa đúng. Mỗi lần đi ngoài nên dặn bình thường để đi ngoài cho hết phân sẽ không bị kích thích đi ngoài nhiều lần.
10.5. Số lần đi ngoài trong ngày bao nhiêu lần là phù hợp?
* Số lần đi ngoài tốt nhất là 1 lần/ngày, 2 đến 3 lần có thể tạm chấp nhận được.
* Phải kiểm soát số lần đi ngoài trong ngày, không để tình trạng đi ngoài nhiều lần. Nếu đi trên 3 lần/ngày thì phải báo ngay với thầy thuốc để được tư vấn. Bệnh nhân có thể bị đi ngoài nhiều lần/ngày do chế độ ăn, chế độ dùng thuốc, đi ngoài không dám dặn, mỗi lần đi ngoài không hết phân.
* Không để tình trạng táo bón (Điều chỉnh chế độ ăn hoặc dùng thuốc).
Như vậy phải kiểm soát số lần đi ngoài cho tốt, không để tình trạng táo bón, không để tình trạng đi ngoài nhiều lần/ngày.
10.6. Tại sao không đi ngoài mà nước phân tự chảy ra ở hậu môn? hoặc mỗi khi đi tiểu thì phân ra? hoặc đi tiểu khó?
* Nếu khi không đi ngoài mà nước phân tự chảy ra ở hậu môn hoặc mỗi khi đi tiểu thì phân ra. Trường hợp này là do phân ứ đọng ở trong trực tràng, người bệnh đi ngoài không hết phân (xem phần hướng dẫn đi ngoài sau mổ ở phần chăm sóc sau mổ).
* Nếu sau mổ người bệnh khó đi tiểu thì phải đảm bảo chắc chắn là mỗi lần đi ngoài đi được hết phân. Trong trường hợp đi ngoài hết phân mà vẫn khó đi tiểu thì báo ngay với thầy thuốc để được tư vấn.
(Xem thêm ở phần chăm sóc sau mổ: Tại đây).
Nhận Xét