Bệnh trĩ – Nỗi khổ khó nói ra

[TRĨ – NỖI KHỔ KHÓ NÓI RA]

Trong xã hội hiện đại ngày nay, có lẽ bệnh TRĨ đã không còn quá xa lạ với mỗi chúng ta, nhưng vì là một căn bệnh xuất hiện ở vùng nhạy cảm nên không dễ gì cho những người bị bệnh có thể cởi mở chia sẻ về căn bệnh của mình. Chính bởi sự e ngại đó nên thật khó để chúng ta có thể tưởng tượng được hết nỗi khổ của những người mắc căn bệnh này.

NGƯỜI BỆNH TRĨ CÓ THỂ SINH HOẠT BÌNH THƯỜNG HAY KHÔNG?

Tùy từng giai đoạn, mà mức độ ảnh hưởng của bệnh đến chất lượng sống của người bệnh rất khác nhau. Với những bệnh nhân ở giai đoạn đầu, bệnh không có nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt hằng ngày, tuy nhiên nếu không được điều trị dứt điểm và đúng cách, bệnh sẽ tiến triển để lại những hậu quả nặng nề. Những bệnh nhân trĩ sa độ 3 trở lên luôn gặp những phiền nạn trong cuộc sống, không chỉ khi đi vệ sinh mà ngay những sinh hoạt bình thường, búi trĩ cũng sẽ gây khó chịu cho người bệnh. Với một tình trạng bệnh ở mức độ nặng, có biến chứng sa trĩ tắc mạch, nghẹt. Người bệnh gần như không thể đi lại bình thường, không thể làm việc nặng và việc đi vệ sinh sẽ không khác gì một cực hình.

Một trường hợp điển hình nhất được lịch sử Việt Nam ghi nhận đó là vua Lê Long Đĩnh – vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê, dù còn nhiều dữ kiện lịch sử chưa rõ ràng về vị vua này, nhưng một câu truyện được lưu truyền nhiều nhất rằng vua mắc căn bệnh trĩ nặng đến mức khi lên triều không thể ngồi hay đứng mà chỉ có thể nằm phần nào làm mất đi sự uy nghiêm của bậc đế vương, chính vì vậy các triều sau đã gán cho ông cái tên Lê Ngọa Triều.

NỖI KHỔ VỀ CHẤT 1 – NỖI KHỔ VỀ TINH THẦN 10

Với những thể bệnh nhẹ, người bệnh chỉ có triệu chứng ra máu khi đi ngoài, máu dính vào giấy vệ sinh khi thấm, chùi, nhưng với những thể nặng hơn, máu từ búi trĩ có thể chảy rỉ rả cả ngày, chảy máu kéo dài gây hậu quả thiếu máu mạn tính. Thử nghĩ trong một tình trạng bệnh như vậy, thật khó để bạn có thể thoải mái mặc những trang phục mình yêu thích. Tình trạng này được ví như việc TỚI THÁNG của chị em, chỉ khác là nó xảy ra hằng ngày cho tới khi bạn tìm tới cơ sở Y tế để được điều trị, và tỉ lệ mắc trĩ của nam giới cao gấp 2 lần phụ nữ.

Theo khảo sát đối với hơn 1000 bệnh nhân được điều trị tại khoa, trên 60% người bệnh cảm thấy không thoải mái khi chia sẻ tình trạng bệnh trĩ của mình với người thân, trong đó có tới 30% người bệnh đi điều trị mà giấu diếm gia đình và đồng nghiệp. Từ đó có thể thấy trong suy nghĩ của đại đa số người bệnh, TRĨ vẫn là một căn bệnh khó nói ra.

NHỮNG SAI LẦM TỪ SỰ E NGẠI

Chính vì sự e ngại, tự ti của đa số bệnh nhân trĩ mà không ít người đã lựa chọn sai cách điều trị, thay vì tìm đến một cơ sở uy tín, rất nhiều người bệnh đã tự mình âm thầm điều trị dựa theo những bài thuốc dân gian chưa được thẩm định được truyền miệng và nhận lại kết quả là tình trạng bệnh còn diễn biến tồi tệ hơn.