Chỉ định điều trị

I. Bệnh trĩ khi nào cần phải phẫu thuật?


1. Trĩ ngoại.
* Là búi trĩ xuất phát từ dưới đường lược theo cấu trúc giải phẫu của ống hậu môn.
* Dấu hiệu: Có búi trĩ sa liên tục ở ngoài hậu môn.
* Thay đổi khi đi ngoài: Có thể to lên sau khi đi ngoài, không đẩy được vào trong lòng ống hậu môn.
* Tiến triển:
– Kích thước không nhỏ đi mà xu thế to lên theo thời gian.
– Có thể có biến chứng tắc mạch: Cảm giác khó chịu tại chỗ, sưng đau. Đặc biệt khi uống rượu bia, ăn đồ cay nóng …

2. Trĩ hỗn hợp.
* Là loại trĩ mà ở 1 vị trí có cả phần trĩ nội (Xuất phát từ trên đường lược) và phần trĩ ngoại (Xuất phát từ dưới đường lược).
* Dấu hiệu:
– Có phần trĩ ngoại sa liên tục ở ngoài hậu môn.
– Có thể đại tiện ra máu đỏ tươi tùy mức độ.
* Thay đổi khi đi ngoài: Có thể to lên sau khi đi ngoài (Tùy thuộc vào mức độ sa của phần trĩ nội mà bệnh nhân có phải đẩy phần búi trĩ nội sa ra ngoài hậu môn sau khi đi ngoài hay không).
* Tiến triển:
– Kích thước không nhỏ đi mà xu thế to lên theo thời gian.
– Có thể có biến chứng tắc mạch, nghẹt: Cảm giác khó chịu tại chỗ, sưng đau. Đặc biệt khi uống rượu bia, ăn đồ cay nóng …
– Nếu đi ngoài ra máu nhiều, kéo dài có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu.

3. Trĩ nội độ III.
* Là búi trĩ xuất phát từ trên đường lược theo cấu trúc giải phẫu của ống hậu môn.
* Dấu hiệu:
– Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn sau khi đi đại tiện, phải dùng tay đẩy búi trĩ vào trong.
– Đại tiện ra máu đỏ tươi tùy mức độ.
* Thay đổi khi đi ngoài: Có búi trĩ sa ra ngoài hậu môn sau khi đi đại tiện, phải dùng tay đẩy lên.
* Tiến triển:
– Kích thước không nhỏ đi mà xu thế to lên theo thời gian.
– Có thể có biến chứng tắc mạch, nghẹt: Cảm giác khó chịu tại chỗ, sưng đau. Đặc biệt khi uống rượu bia, ăn đồ cay nóng …
– Nếu đi ngoài ra máu nhiều, kéo dài có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu.

4. Trĩ nội độ IV.
* Là búi trĩ xuất phát từ trên đường lược theo cấu trúc giải phẫu của ống hậu môn.
* Dấu hiệu:
– Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn thường xuyên.
– Đại tiện ra máu đỏ tươi tùy mức độ.
* Thay đổi khi đi ngoài: Búi trĩ sa ra to hơn sau khi đi đại tiện, phải dùng tay đẩy búi trĩ lên nhưng búi trĩ lại tiếp tục sa lại.
* Tiến triển:
– Kích thước không nhỏ đi mà xu thế to lên theo thời gian.
– Có thể có biến chứng tắc mạch, nghẹt: Cảm giác khó chịu tại chỗ, sưng đau. Đặc biệt khi uống rượu bia, ăn đồ cay nóng …
– Nếu đi ngoài ra máu nhiều, kéo dài có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu.

5. Trĩ biến chứng: Trĩ tắc mạch, trĩ nghẹt.
* Là thể loại biến chứng của trĩ.
* Dấu hiệu:
– Trước đây sau khi đi đại tiện, búi trĩ sa ra ngoài hậu môn tự lên hoặc phải dùng tay đẩy lên. Xuất hiện tình trạng búi trĩ sa ra ngoài mà không đẩy vào trong hậu môn được thường xảy ra sau yếu tố thuận lợi (Làm việc căng thẳng, ăn đồ cay nóng, rượu, bia). Bệnh nhân có cảm giác rất đau khi không đẩy búi trĩ vào trong được.
– Ở hậu môn có búi trĩ sa to, đau khi chạm vào, không đẩy vào trong lòng hậu môn được.
– Đại tiện ra máu đỏ tươi tùy mức độ hoặc có tình trạng máu rỉ ra liên tục ở búi trĩ tắc mạch bị hoại tử.
– Đối với trĩ tắc mạch thể nhẹ, bệnh nhân có thể chỉ có cảm giác vướng tức, đau nhẹ ở hậu môn, tự sờ thấy cục cứng cạnh hậu môn (Búi trĩ tắc mạch).
* Thay đổi khi đi ngoài: Búi trĩ sa ra sau khi đi đại tiện mà không đẩy trở lại vào trong được.
* Tiến triển: Có thể có tình trạng hoại tử búi trĩ khi bị nghẹt và tắc mạch lâu ngày.

6. Trĩ nội độ I, II đại tiện ra máu nhiều, kéo dài gây thiếu máu mà điều trị nội khoa thất bại

II. Một số bệnh lý hậu môn khác cần phải phẫu thuật:


1. Áp xe hậu môn.
* Là bệnh lý nung mủ nhiễm trùng ở vùng hậu môn.
* Dấu hiệu:
– Đau ở vùng hậu môn: Tùy theo mức độ, nhưng thường đau nhiều với đặc điểm đau tự nhiên, liên tục, đi ngoài đau tăng lên nhưng không hết sau khi đi ngoài.
– Có thể có triệu chứng sốt với những trường hợp nung mủ sâu.
– Có thể tự sờ thấy khối sưng, nóng, ấn vào rất đau ở vùng hậu môn.
* Tiến triển:
– Vì đau rất nhiều nên thường bệnh nhân sẽ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, phẫu thuật.
– Với thể nhẹ bệnh nhân có thể không đến cơ sở y tế, tự dùng kháng sinh, giảm đau. Triệu chứng giảm nhưng không khỏi được mà sẽ diễn biến sang giai đoạn rò hậu môn.
– Với ổ áp xe nông có thể tự vỡ mủ, sau khi vỡ triệu chứng đau giảm đi (Vẫn cần phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị).

2. Rò hậu môn.
* Là bệnh lý nhiệm trùng mạn tính ở vùng hậu môn.
* Dấu hiệu: Thường bệnh nhân tự thấy có lỗ rò chảy dịch ở vùng cạnh hậu môn, đau không nhiều. Với đặc điểm thỉnh thoảng có đợt xuất hiện khối nhỏ sưng đau, bệnh nhân tự dùng thuốc kháng sinh hoặc không, khối đó tự vỡ mủ, chảy dịch, đau giảm, liền giả tạo, rồi lại xuất hiện các lần tiếp theo với dấu hiệu tương tự.
* Tiến triển: Nếu không phẫu thuật đường rò sẽ không hết được.

3. Nứt kẽ hậu môn:

* Bản chất là cơ thắt hậu môn bị co thắt quá mức, lâu ngày tạo nên tổn thương dạng nứt kẽ ở ống hậu môn, thường ở vị trí 6h với tư thế bệnh nhân nằm ngửa.
* Dấu hiệu:
– Điển hình là triệu chứng đau rát hậu môn sau khi đi ngoài (Sau khi đi ngoài đau nhiều hơn thời điểm lúc đi ngoài). Mức độ đau và thời gian đau tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Cảm giác đau sau khi đi ngoài là điều phiền nạn với bệnh nhân. Dần dần bệnh nhân có cảm giác sợ đi ngoài vì đau.
– Có thể có dấu hiệu đại tiện ra máu tươi, tuy nhiên với mức độ ít, thường dính vào giấy vệ sinh sau khi thấm.
* Tiến triển:
– Với thể nhẹ (Mức độ đau nhẹ, thời gian đau ngắn sau khi đi ngoài), điều trị nội khoa sẽ giảm và khỏi.
– Với thể nặng diễn biến ngày càng nặng lên, gây phiền nạn với bệnh nhân, ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm việc.
* Chỉ định phẫu thuật khi:
– Điều trị nội khoa thất bại.
– Mức độ nặng, gây phiền nạn, ảnh hưởng tới sinh hoạt, làm việc.

3. Các loại Polyp.

* Polyp trực tràng.
– Với những Polyp to, ở phần thấp trực tràng, có cuống dài thì có thể có dấu hiệu sa polyp ra ngoài hậu môn sau khi đi đại tiện, bệnh nhân tự đẩy vào trong sau khi đi ngoài (Thường bệnh nhân tưởng là búi trĩ).
– Phát hiện khi thăm khám bằng tay hoặc nội soi chẩn đoán.
* Polyp hậu môn.
– Sa ra ngoài hậu môn sau khi đại tiện với những Polyp to, có cuống.
– Phát hiện bằng sờ tay khi thăm khám hoặc nội soi chẩn đoán.
* Papilloma hậu môn (u nhú hậu môn).
– Không có dấu hiệu đặc trưng, được phát hiện khi đi khám bệnh lý khác như trĩ, nứt kẽ hậu môn …
– Phát hiện bằng sờ tay khi thăm khám hoặc nội soi chẩn đoán.

4. Condyloma hậu môn (Sùi mào gà hậu môn).

* Dấu hiệu: Bệnh nhân tự sờ thấy khối ở ngoài hậu môn, đôi khi bệnh nhân nhầm là bệnh trĩ.
* Tiến triển: Có thể phát triển lan ra nhanh tùy theo mức độ. Nên cắt đốt sớm ngay khi phát hiện.